Người lớn đã vậy, trẻ em cũng không kém phần. Biết bao môn học cần dùng mắt nhìn xa, nhìn gần, tra cứu học hành trên máy tính. Nhiều người nhẩm tính là 5 giờ với trẻ thành thị. Nếu làm bài tập và học ở nhà nữa là khoảng 7 giờ. Không nhắm mắt nghe nhạc hay dạo phố mà lại xem TV hay chơi game thì là 10-12h/ngày. Với cường độ làm việc của mắt như vậy chúng ta hãy quan tâm bồi bổ đôi mắt một chút.
Dinh dưỡng
Ngoài cân đối dinh dưỡng chúng ta vẫn phải có chút bồi dưỡng cho mắt. Rau, củ, quả màu đỏ hoặc vàng như cà rốt, bí đỏ, cà chua, gấc…nên được ăn nhiều. Hải sản, các loại cá, nhuyễn thể rất tốt cho mắt và não vì có chứa các acid béo omega-3 chuỗi dài như eicosapentaenoic acid (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA). DHA được tìm thấy ở lượng lớn trong võng mạc, nơi giúp duy trì chức năng mắt. Thiếu hụt DHA có thể làm suy giảm thị lực, đặc biệt ở trẻ em. Ngoài ra thường xuyên bổ sung omega-3 cũng có lợi cho những người bị bệnh khô mắt.
Các loại hải sản tốt cho mắt.
Thuốc “bổ” mắt
Một loại thuốc bổ mắt hay thực phẩm chức năng chứa vitamin A-E-C theo chỉ dẫn của bác sĩ nhãn khoa giúp cho đôi mắt bớt căng thẳng, mệt mỏi vì làm việc quá tải.
Nhiều người lầm tưởng viên sáng mắt uống vào sẽ làm mắt sáng. Thực tế là thành phần của viên sáng mắt là cao dược thảo hướng đến chống lão hóa cho mắt theo lý thuyết của Đông y.
Vitamin A có nhiều trong gan động vật, dầu gấc, thịt đỏ, củ quả màu vàng đỏ, rau xanh đậm. Nguồn vitamin A từ thực vật có nguồn gốc beta- caroten nên lành tính, không sợ nhiễm độc thừa.
Ngược lại viên vitamin A hay một số loại thuốc bổ mắt có hàm lượng vitamin A khá lớn, trên 5000UI/viên dùng lâu dài hay liều cao có thể gây ngộ độc với các biểu hiện như buồn nôn, vàng da, dị ứng, nhìn mờ, đau đầu, tổn thương cơ...
Vitamin E, vitamin C có tác dụng chống oxy hóa rất mạnh, tăng cường miễn dịch, bảo vệ các mô mắt khi làm việc quá sức, hạn chế phát sinh cận thị.
Các khoáng vi lượng như kẽm, selenium, đồng, các sắc tố có lợi như luteine và azexanthine có thể được trộn vào các hỗn hợp thuốc có vitamine để chống các gốc tự do mạnh mẽ hơn, bảo vệ các mô thần kinh mắt, tăng miễn dịch tại chỗ.
Các vitamin B1-B6-B12 được coi là bổ thần kinh, khỏe cơ trên toàn thân nhưng tại mắt thì ít được ca ngợi hơn. Cơ vận nhãn ở mắt ít ảnh hưởng khi thiếu các vitamin này.
Một vài bệnh mắt do thiếu vitamin nào ta sẽ dùng vitamin ấy là vũ khí chủ đạo để điều trị chứ không thể dùng tất cả các loại vitamin.
Với ăn uống đủ chất, không bị rối loạn hấp thu thì dùng một thuốc bổ mắt hay thực phẩm chức năng trong lúc học hành căng thẳng, dùng máy tính nhiều cũng là việc nên làm.
Khi làm việc với máy tính tần số chớp mắt sẽ giảm xuống còn 5-7 lần thay vì 15 lần như bình thường. Nguy cơ khô mắt là có thực. Vì vậy có thể dùng thêm nước mắt nhân tạo, thuốc bôi trơn và làm ẩm ướt bề mặt nhãn cầu, thuốc chống mỏi mắt. Đơn giản, rẻ tiền nhất vẫn là nước muối sinh lý, nhưng nhược điểm là không có chất bôi trơn và phải nhỏ liên tục.
Nước mắt nhân tạo và các loại dịch bôi trơn, làm ẩm nhãn cầu là sự lựa chọn cao hơn nhưng cũng tốn kém hơn. Các thuốc bôi trơn có nguồn gốc khác nhau: Povidone, cellulose, carbomere và muối của acid hyaluronic (các hyaluronate).
Các dạng thuốc không cần kê đơn này sẽ làm giảm bớt cơn mỏi mắt, chảy nước mắt, đau rát mắt có thể phát sinh khi mắt phải tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá nhiều.
Thuốc đắt tiền là những loại tép nhỏ (monodose), không có chất bảo quản, có bản chất là các hyaluronate.
Thuốc chống mỏi mắt dạng nhỏ tác dụng khiêm tốn và không giải tỏa tức thì chuyện mỏi mắt thường chứa vitamin nhóm B, chorondine sunfat, tinh dầu bạc hà hoặc long não…
Có nhiều người khen nhưng cũng lắm người chê vì chỉ làm mắt có cảm giác man mát, dễ chịu…
Có thể sử dụng một số thuốc "bổ" mắt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Một số biện pháp khác
Kính dùng cho máy tính chuyên dụng có thể làm bạn thoải mái hơn khi dùng máy tính nhiều giờ trong ngày. Kính đa tròng cũng có tác dụng tương tự nếu người đeo dung nạp nó tốt.
Đeo kính tiếp xúc sẽ rất dễ bị lạm dụng kính khi làm việc với máy tính do mải mê, bỏ qua qui trình sử dụng và vệ sinh kính. Ta nên thay đổi dùng kính gọng và kính tiếp xúc xen kẽ, đừng đeo kính khi đi ngủ, tuân thủ qui định vệ sinh và làm sạch kính.
BS. Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương)