Đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến khó lường tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trên toàn quốc, đến nay dịch Covid-19 cơ bản đang được kiểm soát, tuy nhiên trong thời gian gần đây số trường hợp mắc, kể cả số trường hợp tăng nặng và nguy kịch đang có xu hướng gia tăng. Ngày 22/2, Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 55.879 ca nhiễm mới, gồm tám ca nhập cảnh và 55.871 ca ghi nhận trong nước, tăng 9.010 ca so ngày 21/2 tại 62 tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, có 19 tỉnh, thành phố ghi nhận từ 1.200 đến hơn 2.800 trường hợp mắc Covid-19. Hà Nội ghi nhận 6.860 ca tại 517 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã. Trong ngày có 10.412 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và có 77 ca tử vong tại 26 tỉnh, thành phố.
Dự báo trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại và mùa lễ hội năm 2022, có thể tiếp tục ghi nhận chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến nhóm đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền).
Để chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19; ngày 21/2, Bộ Y tế -Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã có công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, cụ thể như sau:
Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các hướng dẫn của Bộ Y tế về chủ động phòng chống dịch COVID-19. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp y tế (giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị,...), hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, mở cửa trường học, đi lại của người dân bảo đảm khoa học, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ đạo ngành y tế điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu; thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến; tổ chức thu dung, điều trị hiệu quả ở các tuyến...
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương triển khai tiêm chủng phòng Covid-19 "thần tốc hơn nữa"; bảo đảm bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi. Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học; chủ động các biện pháp xử lý khi có trường hợp F0, F1 trong trường học một cách phù hợp, tránh xử lý cực đoan... bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, tạo sự yên tâm, đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường an toàn. Tăng cường công tác truyền thông nâng cao cảnh giác, chủ động phòng chống dịch của người dân, tự theo dõi sức khỏe và thực hiện nghiêm 5K, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, tiếp xúc với người xung quanh; không tụ tập, không đến nơi đông người khi không cần thiết; tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, không vì đã tiêm vắc xin mà lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch. Tuyên truyền người dân, các cơ quan, đơn vị, trường học, xí nghiệp,... thực hiện thông thoáng nhà cửa, nơi làm việc để giảm nguy cơ lây nhiễm. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác...) thì báo ngay cơ quan y tế để được hỗ trợ, tư vấn, theo dõi và xử trí kịp thời.
Nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở; có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế, hỗ trợ công tác phòng chống dịch trong trường học. Quan tâm xây dựng bổ sung các chính sách, chế độ và các hình thức động viên, khen thưởng đối với đội ngũ nhân viên y tế và mạng lưới tham gia tư vấn, điều trị, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2 tại các cơ sở y tế dự phòng, các Trung tâm hồi sức tích cực, các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19. Thực hiện đúng chế độ về thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm hàng ngày kết quả giám sát, điều tra, phòng chống dịch COVID-19 về Bộ Y tế. Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... Xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19.