Căn nguyên gây viêm màng não thường gặp nhất ở trẻ em
Virus: Viêm não Nhật Bản, quai bị, các loại Enterovirus (ECHO, Coxsackie), các loại virus Herpes, HIV, Adenovirus, bại liệt, dại.
Vi khuẩn: Hemophilus influenzae type B (HIB), , các liên cầu, lao, giang mai, các loại Salmonella, Klebsiella pneumoniae.
Ký sinh đơn bào và giun sán; ấu trùng sán lợn (Toenia solium), giun xoắn (Trichinella spiralis), sán lá phổi (Paragonimus).
Nấm: Cryptococcus neoformans.
Ở trẻ em, vi khuẩn gây bệnh thường gặp thay đổi theo từng thời kỳ, lứa tuổi, vùng địa lý, tiêm chủng, cơ địa (chấn thương, tổn thương miễn dịch). Có đến 90% viêm màng não nhiễm khuẩn ở trẻ em do vi khuẩn HIB, phế cầu hoặc não mô cầu. Tỷ lệ tìm thấy vi khuẩn gây bệnh còn thấp (30-50% ở các nước đang phát triển, 80-90% ở các nước phát triển).
Những trẻ nào có nguy cơ bị viêm màng não?
- Tuổi: < 3 tuổi, đặc biệt trẻ sơ sinh.
- Trẻ nam gặp nhiều hơn nữ.
- Trẻ đẻ non, suy giảm miễn dịch, cắt lách, suy dinh dưỡng…
- Trẻ bị các nhiễm khuẩn cấp hoặc mãn tính, nhiễm khuẩn hô hấp, tai mũi họng…
- Trẻ có các dị tật, chấn thương màng não: thoát vị màng não tủy, dẫn lưu não thất, chấn thương sọ não, thủ thuật chọc dò tủy sống….
- Ngoài ra môi trường vệ sinh kém cũng là yếu tố thuận lợi gây ra căn bệnh này..
Dấu hiệu nhận biết viêm màng não ở trẻ em
Trong bệnh viêm màng não nhận biết sớm các dấu hiệu để kịp thời can thiệp và điều trị có ý nghĩa rất quan trọng đối với bệnh nhân. Biểu hiện lâm sàng bệnh viêm màng não ở trẻ rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi, tuy nhiên những dấu hiệu dưới dây sẽ cho bạn nhận biết rõ nhất:
Trẻ có biểu hiện Sốt, nôn, đau đầu: Đây là 3 biểu hiện thường gặp ở trẻ bị viêm màng não.
- Với trẻ lớn trẻ có thể sốt cao, với trẻ sơ sinh có thể sốt nhẹ hoặc vừa, hạ thân nhiệt trong những trường hợp nặng.
- Nôn tất cả mọi thứ, trẻ lớn có thể nôn vọt, nhiều lần và không liên quan đến bữa ăn, trẻ sơ sinh và nhũ nhi có thể bú kém hoặc bỏ bú, ọc sữa, bụng chướng.
- Trẻ lớn biểu hiện đau đầu theo cơn hoặc liên tục, không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường.
- Ngoài ra: biếng ăn, bú kém, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy hoặc táo bón), ho, chảy nước mũi...
Những dấu hiệu này rất dễ nhầm lẫn với các bệnh liên quan đến viêm nhiễm đường hô hấp thông thường hay sốt do virus, ... Do đó, cần liên tục theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ kèm các triệu chứng kèm theo để tránh chẩn đoán sai hướng.
Co giật: Trẻ có biểu hiện co giật toàn thân hoặc có thể khu trú ở tay, chân, mắt, miệng. Một số trường hợp trẻ có thể bị co giật đơn thuần do sốt cao, nhưng cũng có thể do rối loạn điện giải. Tuy nhiên trường hợp nào cũng cần phải theo dõi xem trẻ có bị viêm màng não không.
Rối loạn ý thức: ban đầu trẻ sẽ dễ bị kích động, sau đó trẻ có thể rơi vào tình trạng lờ đờ, ngủ li bì, hôn mê.
Trẻ có các biểu hiện: đau đầu, nôn, cứng gáy, sợ ánh sáng, liệt mặt, liệt hoặc giảm vận động ở tay, chân hoặc nửa người.
Lưu ý: Dấu hiệu viêm màng não trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ ban đầu thường không rõ ràng và rất khó phân biệt với các bệnh nhiễm trùng khác. Vì trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa biết nói, chưa biết thể hiện và diễn tả cụ thể nên cha mẹ cần hết sức chú ý để nhận biết được trẻ bị viêm màng não. Do đó với các đối tượng này nếu thấy biểu hiện sốt cao hoặc hạ nhiệt độ, quấy khóc, ngủ gà, thóp phồng căng, giảm vận động, bú kém, cổ mềm thì nghĩ đến viêm màng não.
Cách phòng bệnh viêm màng não
Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
Chủ động tiêm phòng vaccin phòng bệnh cho trẻ
Khi có biểu hiện như trên cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị đồng thời thông báo theo đường dây nóng của y tế địa phương để được điều tra giám sát xử lý kịp thời.
ThS.BS. Nguyễn Hữu Hiếu,Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai