Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội hiện vẫn đang gia tăng với khoảng hơn 1.000 ca/tuần. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận hơn 5.700 ca sốt xuất huyết (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó đã có 5 ca tử vong. Đối với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, ngoài việc tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ thì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Theo bác sĩ Vũ Mạnh Cường, Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện E), khi mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân cần được khám và hướng dẫn theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa. Trường hợp có dấu hiệu bệnh nặng, cần nhập viện điều trị. Còn với trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể theo dõi, điều trị ngoại trú tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, người mắc sốt xuất huyết cần lưu ý, nếu sốt trên 38,5 độ C thì dùng thuốc paracetamol, tuyệt đối không sử dụng Aspirin và Ibuprofen để hạ sốt.
Bởi, 2 loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể gây xuất huyết dạ dày rất nguy hiểm. Ngoài ra, bệnh nhân cần uống nhiều nước, bù nước bằng dung dịch oresol, nước trái cây.
Đặc biệt, để cơ thể nhanh hồi phục, người bệnh cần được tăng cường thực phẩm giàu protein, như: Thịt nạc, thịt gia cầm, cá, trứng, sữa, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt... Bên cạnh đó, người bệnh cần bổ sung các loại rau và trái cây chứa nhiều protein, vitamin như: Súp lơ xanh, rau chân vịt, măng tây, atisô, khoai tây, khoai lang…
Bác sĩ Vũ Mạnh Cường cũng lưu ý về một trong những biến chứng thường gặp khi bị sốt xuất huyết là giảm tiểu cầu. Vì vậy, người bệnh nên ăn một số loại thực phẩm có tác dụng hỗ trợ giúp tăng tiểu cầu trong máu như: Quả chà là, quả mơ, lựu, kiwi, đu đủ, hàu...