Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng nằm trên địa bàn xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2013. Đền Phù Đổng còn được gọi là đền Thượng, tương truyền được dựng trên nền nhà cũ nơi Thánh Gióng sinh ra, nơi này trước kia chỉ là một thảo am bên trong đê sông Đuống, còn đền Hạ (đền mẫu) thờ mẹ của Thánh Gióng nằm ngoài đê, gần nơi được cho là có dấu chân khổng lồ mà bà đã ướm thử rồi sinh ra Thánh Gióng. Năm 1010 khi rời đô về Thăng Long, Lý Thái Tổ đã cho dựng thành một ngôi đền khang trang.
Cổng đền Thượng
Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi đền hiện tại chủ yếu là những mảnh ghép của những công trình thời Lý, thời Lê Trung Hưng, thời nhà Nguyễn và có cả những phần mang màu sắc đương đại. Nay đền còn Chính điện, Bái đường, nhà thiêu hương, hà thủy đình để múa rối nước ở ao trước đền. Tam quan được xây vào cuối thế kỷ XIX. Tượng Thánh Gióng khá lớn, đặt trong chính điện, ngồi giữa hai dãy tượng 6 quan văn , võ hầu cận, 2 phỗng quỹ và 4 viên cận binh.
Rồng đá cổ đền Gióng
Nghê đá cổ đền Gióng
Ngựa đền Gióng
Hiện vật đáng quý ở đây là đồi rồng đá cách điệu làm bậc thềm, nét chạm khỏe và phóng khoáng; đôi sư tử đá tạc từ đời Lê Dụ Tông (1705). Thềm đền trang trí hình rồng. Ngai thờ thuộc thời Lê khá đẹp. Đôi chóe sứ cổ, tương truyền là do ái phi Đặng Thị Huệ tiến cuối thế kỷ XVIII. Ngoài ra còn có bia câu đối của Nguyễn Du, Cao Bá Quát ...
Thủy đình và cổng đền Gióng nhìn từ trên đê
Từ trên đê nhìn xuống cả đền Gióng như thu vào tầm mắt với những nét cổ kính, linh thiêng. Trước đền có thủy đình nằm trong hồ bán nguyệt, được xây dựng từ thời Lý. Màu thời gian như dồn tụ lại nơi đây khi bạn khẽ chạm tay vào những viên gạch của cổng đền. Màu của quá khứ của lịch sử đến hơn 100 năm có lẻ.
Khu nhà lễ tân Đền Gióng Khóm trúc trong Đền
Giếng nước sau đền Gióng Giếng cổ trong đền Gióng
Là người Việt Nam chắc ai cũng biết đến Gióng, cậu bé sau ba năm đã vụt lớn để trở thành người anh hùng vung gậy sắt, nhổ từng khóm tre đánh giặc. Nhưng không nhiều người trong chúng ta biết đến ngôi đền được xây dựng tại chính mảnh đất cậu bé ấy sinh ra (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) và những phát hiện mới nhất đằng sau người anh hùng dân tộc này.
Ngũ môn Đền Phù Đổng Cửa vào Đền Gióng
Trước sân đền, ngay sát chân đê có ao Rối - nơi tổ chức biểu diễn múa rối nước vào dịp hội làng hằng năm. Dưới bóng cây đa cổ thụ, trên mặt ao là ngôi thủy đình xinh xắn được dựng theo kiểu mái chồng thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) với nhiều mảng chạm tinh xảo trên gỗ, đề tài là cảnh sinh hoạt dân gian như chăn dê, người thổi ống xì đồng... Qua sân gạch đến nghi môn bề thế được xây vào cuối thế kỷ XIX. Phía trước là đôi rồng đá khắc dòng chữ cho biết niên đại tạo tác là năm Ất Dậu, niên hiệu Vĩnh Thịnh (năm 1705), dưới triều vua Lê Dụ Tông. Phía sau có đôi sư tử đá có cùng niên đại. Cổng đền được xây dựng bằng gạch, đến nay đã được hơn 100 năm. Phía sau cổng là Phương đình với 2 tầng 8 mái, lợp ngói mũi hài, mặt bằng hình vuông, bờ nóc, bờ dải đắp hình hoa chanh, hoa văn, 8 góc đao gắn hình lá lật... Nhìn từ phía ngoài thì nhà tám mái không lớn, nhưng nếu có một ống kính góc rộng, nằm ngửa ra giữa nhà mà chụp thì chắc chắn bạn sẽ thấy rõ sự kỳ vĩ của nó. Dưới mỗi góc độ lại hiện ra một hình thù rất khác.
Nhà tám mái
Bước vào trong khu nhà tám mái cho mỗi du khách một cảm nhận. Có cái thâm trầm uy nghiêm lại có cái thanh tịnh phảng phất. Trầm mặc mà vẫn có nét thanh tao. Đặc biệt du khách sẽ được thấy bộ chiêng trống ấn tượng được gióng lên mỗi khi khai hội đền Gióng.
Chiếc chiêng và trống có đường kính tới 1,2m
Cặp chiêng trống có đường kính lên tới 1,2m với độ lớn tương đương chiếc trống đại được trưng bày tại lễ hội hoa vừa rồi. Vào mùa lễ hội, tiếng trống, tiếng chiêng rền vang sẽ làm không khí thêm phần hào hùng trong những hoạt cảnh tái diễn trận chiến anh hùng của Thánh Gióng.
Nhà tiền tế được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17)
Sau nhà tám mái là Tiền tế và Trung tế đều 5 gian, 2 dĩ, do Điền Quận công Nguyễn Huy (1610 - 1675), người làng Phù Dực, và Trạng nguyên Đặng Công Chất (1621 hay 1622 - 1683) cùng người làng Phù Đổng hưng công xây dựng là nơi thực hiện các nghi lễ. Tại đây, du khách có thể dễ dàng nhận thấy sự chênh lệch “tuổi tác” khi bên trên những cột gỗ có từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17) là những bức hoành phi ghi lại những lời nói của Bác Hồ, những vần thơ Tố Hữu. Với mỗi ngôi đền thì phần quan trọng nhất bao giờ cũng là hậu cung, đền Gióng cũng vậy. Đây là nơi đặt bức tượng Gióng cao hơn 2m, được tạc từ cách đây trên 100 năm. Bên cạnh có hai hàng tượng gồm 6 quan văn võ, 2 người hầu đứng, 2 phỗng quỳ và 4 lính hầu. Đây cũng là nơi giữ các đạo sắc phong của các triều đại phong kiến. Đáng chú ý là 39 viên gạch chạm khắc hình rồng được lát ở bậc thềm dẫn vào cung. Hai ngôi nhà 3 gian phía Đông do Tuyên phi Đặng Thị Huệ - chính cung của chúa Trịnh Sâm cung tiến (thế kỷ XVIII). Phía sau đền có một giếng nước trong gọi là giếng Ngọc. Nằm trong quần thể di tích Đền Phù Đổng còn có: Đền hạ, Miếu Ban, Đình Hạ Mã, Giá Ngự, Cố Viên, Đống Đàm, Soi Bia.
Đền Hạ, còn gọi là đền Mẫu, Đền thờ Mẹ Thánh Gióng, tên chữ là Thành Quang điện, quay hướng Tây, tọa lạc ở vị trí ngoài đê sông Đuống, bao gồm các hạng mục: nghi môn, tả - hữu mạc và kiến trúc chính dạng chữ Tam, gồm tiền tế, trung tế và hậu cung. Đền xây năm 1643. Trước đền có ao hình bầu dục, là nơi hàng năm rước nước về đền Thượng cúng. Cách đền Mẫu 500m là khu vườn của Mẹ Thánh Gióng, có bia đá để đặt trong một nhà bia nhỏ và ó tảng đá in dấu chân người khổng lồ, đã từng giẫm nát vườn rau, trong một đêm mưa mà sau này Mẹ Thánh Gióng ướm thử chân vào, về nhà mang thai, sinh ra Thần Gióng. Nơi này được gọi là Cố Viên (vườn cũ).
Cổng đền Mẫu
Chánh điện bên phải đền Mẫu
Chánh điện bên trái đền Mẫu
Chuông cổ đền Mẫu
Miếu Ban, nằm cách đền Thượng khoảng 200m, ở phía bên trong đê sông Đuống, gồm nghi môn, tả - hữu vu, sân, kiến trúc chính dạng chữ Đinh. ương truyền đây là nơi Mẫu sinh ra Gióng, vốn thuộc khu rừng Trại nòn, nên có tên cổ là “Miếu Trại nòn”. Miếu được phục dựng vào thế kỷ XIX, lợp ngói cổ hình mũi hài. Sau Miếu là giếng Bát Nhũ trì (ao tám vú), giữa giếng nổi lên một gò đất nhỏ, phẳng, tương truyền, đây là nơi Gióng được sinh ra, được cắt rốn bằng liềm đá, được tắm trong thống đá và được nằm trên một sập đá. Hiện nay, nơi đây chỉ còn chiếc thống đá được bày trước hương án có bát nhang thờ Thánh Gióng.
Hội Gióng hằng năm, vào chiều ngày 07/4 âm lịch, đoàn hội rước đi qua Miếu Ban. Đến đây, các ông Hiệu thực hiện nghi lễ bái vọng Thánh Mẫu để đi “khám đường” - một ngày đầu tiên của lễ hội. Cầu mong Thánh Mẫu che chở và phù hộ cho những ngày hội tiếp theo, mồng tám -mồng chín tháng 4 được thành công tốt đẹp. Miếu Ban là một di tích nằm trong Khu di tích Đền Phù Đổng được Thủ tướng Chính Phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2013.
Đình Hạ mã, nằm phía trái đền Thượng, có diện tích khoảng 200m2.
Cố viên, còn gọi là vườn rau, hay vườn cà, nằm trên thềm đất bãi sông, cách đền Hạ khoảng 500m. Tương truyền, mẹ Gióng ra vườn này hái rau, rồi ướm vào vết chân người khổng lồ, về nhà mang thai, sinh ra Gióng. Tại đây có 1 ngôi miếu nhỏ, với kết cấu 2 tầng, 8 mái, 4 mặt để thông. Bên cạnh có hòn đá hình thù đặc biệt, với nhiều vết lồi, lõm, được coi là vết chân người khổng lồ và một tấm bia mang dòng chữ “Đổng Thiên Vương Thánh Mẫu Cố trạch”.
Giá ngự, mới được phục dựng vào đầu thế kỷ XX, nằm ở phía bên kia đê, thuộc khoảng giữa đền Thượng và đền Hạ. Cổng vào Giá ngự có 2 trụ biểu cao khoảng 6m, đỉnh trụ đắp tượng nghê, phía dưới đắp đấu hình vuông, các ô lồng đèn đắp tứ linh, tứ quý, thân trụ bổ khung đắp câu đối.
Khu đánh cờ Đống đàm, là một bãi đất rộng, nằm cách đền Thượng khoảng 3 km, thuộc thôn Đổng Viên. Đây là nơi diễn ra trận đánh giặc Ân lần thứ nhất của Gióng trong hội.
Bãi đánh cờ - Soi bia, thuộc địa phận thôn Phù Đổng, là nơi diễn ra trận đánh giặc Ân lần thứ hai của Gióng trong hội.