THÁNG 10 NĂM 2022
Chủ điểm:
Giới thiệu cuốn sách: “Lương Văn Quyến”
Tác giả Đào Trinh Nhất
-Thời gian: Ngày 3 tháng 10 năm 2022.
- Địa điểm: Sân trường, phòng thư viện.
-Người giới thiệu: Cán bộ thư viện: Nguyễn Thị Thu Hường
- Đối tượng: Học sinh
Các con học sinh thân mến!
"Dân tộc ta vốn dòng dõi rồng tiên. Ruộng đất ta phì nhiêu, dài mấy trăm muôn dặm, đầy những núi non linh tú. Kể từ Hồng Bàng lập quốc tế đến giờ, lịch sử truyền nối hơn 4.000 năm, trải qua các triều đại Kinh Dương Vương, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý, Trần, Hậu Lê rồi đến bản triều Nguyễn Thị, mỗi đời kế tiếp mở mang bờ cõi thêm to, điểm tô non sông thêm đẹp. Phải biết tổ tiên ta đã tốn bao nhiêu thông minh, bày tỏ biết bao nhiêu nghị lực, hy sinh biết bao nhiêu máu thịt, mới xây dựng lên được giang sơn gấm vóc này để lại chúng ta."
Tác giả Đào Trinh Nhất (1900-1951), tự Quán Chi, là nhà văn, nhà báo Việt Nam giữa thế kỷ 20. Ông được người trong giới cầm bút đánh giá là có cách làm việc nghiêm túc, thận trọng và là người biết dùng ngòi bút nghệ thuật làm sống lại nhiều tư liệu đã mai một trong lịch sử cận đại Việt Nam.
Cuốn sách Lương Ngọc Quyến được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1946 và đến nay đã được tái bản nhiều lần. Lương Ngọc Quyến (1885-1917) có tên hiệu là Lương Lập Nham, một chí sĩ yêu nước. Ông là con thứ của nhà yêu nước Lương Văn Can. Vào những năm 1905-1907, phong trào Đông Du phát triển mạnh mẽ do Phan Bội Châu khởi xướng và tổ chức, Lương Ngọc Quyến là một trong những thanh niên ưu tú được chọn đưa sang Nhật học tập.
Ông bị mật thám Anh bắt tại Hồng Kông trao cho thực dân Pháp giam ở Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên. Tại Thái Nguyên ông cùng Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn) lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên. Quân Pháp phản công, ông đã anh dũng hy sinh để không rơi vào tay giặc.
Là con trai thứ ba cụ cử Can, Lương Ngọc Quyến không hổ danh là con nhà tông. Cứ xem tính cách và hành động của chàng trai còn có tên là Lương Lập Nham này hẳn ta không phải thắc mắc về hùng khí của kẻ chí trai này.
Nói về cái chí khí anh hùng của Lương Ngọc Quyến, những tưởng nên để một bậc tiền bối được đồng bào đất Việt ngưỡng mộ vì lòng yêu nước vô bờ bến đầu thế kỷ XX nhận xét, hẳn đắc xác hơn cả. Ấy là lời của cụ Phan Bội Châu nói về Lương Ngọc Quyến, được cụ kể trong sách “Ngục trung thư”, rằng: “Bậc thiếu niên anh tuấn của ta sau này, có mấy người được như Lương quân”.
Lương Ngọc Quyến là một chí sĩ yêu nước, thành viên của Việt Nam Quang phục Hội. Trong bối cảnh lịch sử Việt nam lúc đó, ông bị giam cầm ở nhiều nơi, cuối cùng là nhà tù của thực dân Pháp tại Thái Nguyên. Tại nơi giam cầm của thực dân, Lương Ngọc Quyến đã gặp được người cùng chí hướng là Đội Cấn (tên thật là Trịnh Văn Đạt). Tuy đứng trong hàng ngũ của địch nhưng Đội Cấn là người có lòng yêu nước, thấm thía nỗi nhục mất nước và đau xót trước cảnh ngộ của đồng bào khi ngày ngày chứng kiến những hành động tàn ác của giặc Pháp
Đêm 30/8/1917, lệnh khởi nghĩa được phát ra. Cánh quân do Đội Trường chỉ huy đánh, diệt tên giám binh Noel cùng tay sai Đội Hành, Phó quản Lạp; Cánh quân Đội Giá chỉ huy phá đề lao, diệt giám ngục Lô-ê, giải phóng hơn 200 tù nhân, trong đó có Lương Ngọc Quyến.
Trước tình hình lớn mạnh của nghĩa quân, ngày 31/8/1917, thực dân Pháp đã cấp tốc điều quân từ Hà Nội và Đáp Cầu lên đồn Gia Sàng, sáng 2-9 mở cuộc tấn công với lực lượng rất mạnh gồm 2000 quân có pháo binh yểm trợ. Tương quân lực lượng quá chênh lệch nghĩa quân dù anh dũng chiến đấu nhưng thương vong nhiều, quân sư Lương Ngọc Quyến cũng hi sinh trong trận này. Đội Cấn phải rút quân để bảo toàn lực lượng vừa di chuyển vừa chiến đấu suốt 4 tháng ròng trước sự truy đuổi gắt gao của giặc. Nghĩa quân cầm cự tới ngày 21/12/1917, trong trận chiến đấu ác liệt cuối cùng, sau khi đã đẩy lui nhiều đợt tấn công của địch, bị trọng thương và bao vây, Đội Cấn đã tự sát để khỏi rơi vào tay giặc.
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng lịch sử của cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên 1917, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã cho ra đời các cuốn sách như: “Đội Cấn-Thái Nguyên”, “Lương Ngọc Quyến” , “Hỏi đáp về cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên”, “Khởi nghĩa Thái Nguyên 100 năm nhìn lại”.
Ngoài ra các con tìm đọc những cuốn sách về chủ điểm này:
- Em yêu Hà Nội, Hà Nội của em
- Món ngon Hà Nội
- Hà Nội băm sáu phố phường
Thư viện nhà trường!